Công ty cổ phần phát triển nam sài gòn

Thu nhập trung bình, vay mua nhà thế nào để không bị nợ "ngập đầu"?

Nếu việc mua nhà đối với những người có thu nhập cao là khá dễ dàng thì với người có thu nhập trung bình, cơ hội sở hữu một ngôi nhà ưng ý vẫn có thể nằm trong tầm tay khi có một phương án tài chính khôn ngoan và rõ ràng.

Đối với người mua nhà, đặc biệt là những người trẻ, vấn đề khó khăn nhất chính là bài toán cân đối tài chính. Việc cố mua nhà khi vốn tích lũy quá ít, không tính toán kỹ số tiền phải trả hàng tháng hay tính tiền kiểu “đếm cua trong lỗ” khiến nhiều người phải khốn đốn vì nợ nần.

Trong chương trình “Có hẹn với chuyên gia bất động sản” #5, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên ban chấp hành Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Founder - Chủ tịch HĐQT Công ty CP King Broker đã đưa ra những lời khuyên bổ ích cho người mua nhà về việc khi nào nên vay tiền mua nhà, mỗi tháng nên dành bao nhiêu tiền trên tổng thu nhập để trả nợ và nên chọn ngân hàng nào để vay?…

Trước khi đi vay ngân hàng hoặc bạn bè, người thân, người mua nhà phải có một số vốn tích lũy đủ lớn, lên kế hoạch tài chính chi tiết để là một “con nợ thông minh”. Và để không bị nợ “ngập đầu” hay phải sinh sống quá chật vật, không dám chi tiêu, theo ông Tuấn Anh, những người có thu nhập hàng tháng cao nên chuẩn bị số vốn tích lũy bằng khoảng 30% giá trị căn nhà, 70% còn lại có thể vay ngân hàng.

Trong khi đó, những người có thu nhập hàng tháng ở mức trung bình sẽ cần tích luỹ một khoản tiền cao hơn, khoảng 40-60% giá trị căn nhà. Khi đó, số tiền vay ngân hàng sẽ được giảm đi và khoản nợ hàng tháng vẫn nằm trong khả năng chi trả của người vay.

Vị chuyên gia chia sẻ, khi cân đối tài chính để vay mua nhà, người mua cũng cần tính toán kỹ số tiền phải trả ngân hàng hàng tháng, tránh trường hợp bị phạt lãi quá hạn hay bị liệt vào danh sách nợ xấu.

Công thức tính tiền trả nợ là số tiền phải trả ngân hàng hàng tháng = tiền gốc + tiền lãi. Trong đó:

Tiền gốc = Tổng số tiền nợ/Thời gian vay

Tiền lãi = Lãi suất tháng x Dư nợ

 Số tiền dành để trả nợ hàng tháng nên ở một mức hợp lý so với tổng thu nhập. Theo ông Tuấn Anh, đối với những gia đình chưa có con, chi phí sinh hoạt thường chiếm khoảng 40% tổng thu nhập, do đó số tiền dành để trả nợ không được quá 60% tổng thu nhập. Còn đối với những gia đình có con nhỏ, chi phí sinh hoạt sẽ cao hơn, thường bằng khoảng 60% tổng thu nhập nên tiền trả nợ không nên quá 40%. Chẳng hạn, nếu thu nhập hàng tháng là 20 triệu thì số tiền trả ngân hàng không được vượt quá 8 triệu.

Ông Tuấn Anh cũng hướng dẫn người mua nhà 2 cách tính tổng thu nhập để cân đối tiền trả nợ hàng tháng và lên kế hoạch tài chính:

  • Cách thứ nhất là tính theo tháng có thu nhập thấp nhất trong năm.
  • Cách thứ hai là tính theo thu nhập trung bình của tháng cao nhất và tháng thấp nhất.

Khi tính theo một trong hai cách này, người mua nhà sẽ đảm bảo được mức độ an toàn cho khoản vay. Nếu tính số tiền phải trả nợ hàng tháng dựa theo thu nhập của tháng cao nhất thì người vay có thể sẽ gặp phải rủi ro.

Nguồn: batdongsan.com.vn (đăng 10:00 ngày 17/10/19)

TOP